NHÀ MỒ BA CHÚC - AN GIANG

Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ hộp sọ và xương cốt của những bạn nhân Ba Chúc bị thiệt mạng trong vụ thảm sát Khmer Đỏ vào năm 1978 và nhiều nhiều chứng tích chiến tranh.

Nhà Mồ Ba Chúc - An Giang

Di Tích Nhà mồ Ba Chúc thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 10/7/1980. Nơi đây lưu giữ hài cốt của những người dân vô tội bị sát hại và được xem là một bản cáo trạng về tội ác diệt chủng của Pôn Pốt, muôn đời còn ghi nhớ. Đồng thời khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước.

Nằm dưới chân dãy Thất Sơn hùng vĩ, thị trấn Ba Chúc, trước kia là xã Ba Chúc, cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 7km. Vào đầu năm 1977, dân số của Ba Chúc hơn 16.000 người, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, buôn bán nhỏ. Đây cũng là vùng đất khởi nguồn và trung tâm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, với nhiều buổi sinh hoạt lễ hội, lễ cúng phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân địa phương.

Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, cùng với cả nước, Nhân dân xã Ba Chúc đi vào khắc phục hậu quả của chiến tranh, ra sức xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Không khí hòa bình ở đây chưa được bao lâu thì lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt gây ra.

Vào đêm 30-4-1977, cùng lúc với 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, Pôn Pốt đã xua quân tấn công, tàn sát đồng bào ta một cách man rợ. Đỉnh cao của tội ác này là cuộc thảm sát 3.157 người dân Ba Chúc từ ngày 18-4 đến 30-4-1978. Qua 12 ngày đêm bị bọn Pôn Pốt chiếm đóng, Ba Chúc bị dìm trong biển máu. Đi đến đâu chúng cũng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa các công trình công cộng; tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ. Những cảnh giết người hàng loạt, dã man diễn ra khắp nơi, không bút mực nào tả hết. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết hoặc xé đôi người, nắm hai chân đập đầu vào gốc cây…

Hàng năm, lễ giỗ tập thể được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, thu hút hàng nghìn du khách, tín đồ tôn giáo và thân nhân của các nạn nhân đến cúng viếng, cầu nguyện.

  • Địa chỉ: Đường Ngô Tự Lợi, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Đánh giá

0 khách hàng đã đánh giá
0 /0
Nhận xét và đánh giá
0
0
0
0
0
Vui lòng cho chúng tôi biết Cảm nhận của bạn!
©Copyright 2019 m4u2468@gmail.com. All rights reserved.